Xây dựng các mô hình sinh kế cho người dân ở các xã bãi ngang
Thông qua chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân ở các xã bãi ngang ven biển của tỉnh đã và đang mang lại hiệu quả, khơi dậy tính tự lực, chủ động vươn lên trong lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.

Mô hình nuôi ong lấy mật tại xã Đa Lộc (Hậu Lộc)

Trước đây, phần lớn các hộ nuôi ong ở xã Đa Lộc (Hậu Lộc) còn thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật trong nuôi ong lấy mật. Bên cạnh đó, người nuôi ong chưa có mối liên kết, chia sẻ, hỗ trợ nhau cùng phát triển đàn ong, ong tự bay (mất đàn), sản lượng mật thấp... Trên cơ sở nhu cầu của cộng đồng dân cư xã Đa Lộc, tận dụng nguồn hoa cây rừng ngập mặn dồi dào của địa phương, Ban quản lý Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ (Dự án GCF) đã hỗ trợ mô hình “Nuôi ong lấy mật gắn với tiêu thụ sản phẩm”. Tháng 2-2020, Dự án GCF cấp 180 đàn ong cho 40 hộ nuôi. Nhờ được tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật của dự án, các hộ nuôi ong đã hạn chế hiện tượng mất đàn, đàn ong khỏe và người nuôi đã tự nhân đàn. Trước khi dự án hỗ trợ, trung bình các hộ nuôi ong thu 3kg mật/đàn/4 tháng. Sau khi được dự án hỗ trợ, sản lượng trung bình đạt 7kg mật/đàn/4 tháng. Đến hết tháng 6-2020, tổng sản lượng mật thu về của các hộ tham gia dự án đạt 1.400 kg, doanh thu đạt 280 triệu đồng, lợi nhuận ước đạt 240 triệu đồng. So với các loại hình sản xuất nông nghiệp khác như trồng lúa, cây màu,... thì nuôi ong không quá vất vả, chi phí sản xuất không cao, không tốn diện tích, rủi ro ít. Từ thành công của mô hình nuôi ong lấy mật là tiền đề cho việc phát triển nghề nuôi ong và xây dựng thương hiệu mật ong rừng ngập mặn của xã Đa Lộc. Đồng thời, tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển.

Trong thời gian qua, Ban Quản lý Dự án GCF đã triển khai thực hiện 7 mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn các huyện ven biển của tỉnh với hơn 140 hộ gia đình được thụ hưởng. Điển hình, như: “Chăn nuôi vịt thịt” tại xã Đa Lộc, “Nuôi gà thịt bảo đảm an toàn sinh học” tại xã Hưng Lộc (Hậu Lộc); “Nuôi tôm sú xen ghép cua xanh” tại xã Nga Thủy, “Nuôi tôm sú xen ghép cá rô phi”, “Nuôi cua xanh thương phẩm”, “Nuôi ong lấy mật” tại xã Nga Tân (Nga Sơn)... Phần lớn các mô hình được đánh giá cao, phù hợp với các địa phương, có khả năng chống chọi tốt với dịch bệnh và sự biến đổi bất thường của thời tiết. Ông Lê Công Cường, Giám đốc Ban Quản lý GCF tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Là chương trình hỗ trợ người dân vùng bãi ngang ven biển có hoàn cảnh khó khăn, chưa có kiến thức, nguồn lực để phát triển sản xuất. Nhất là hộ nghèo, cận nghèo và gia đình phụ nữ làm chủ có điều kiện tham gia dự án để phát triển kinh tế hộ gia đình, thoát nghèo bền vững. Sau khi tham gia dự án, các hộ có điều kiện phát triển ngành nghề đã thực hiện, tạo việc làm và tăng thu nhập ổn định cho gia đình. Qua quá trình thực hiện dự án, các địa phương cũng đã có cách làm phù hợp và mang lại hiệu quả thiết thực. Song song với việc xây dựng mô hình thành công, thì việc lồng ghép các mô hình này vào kế hoạch của địa phương là rất cần thiết để phát triển lâu dài. Đồng thời, quản lý phòng ngừa các tác động bất lợi hoặc tăng hiệu quả của mô hình đối với môi trường và nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu ở địa phương. Nâng cao thu nhập cho người nông dân, tạo sinh kế cho người dân vùng có rừng ngập mặn để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, từng bước đa dạng hóa đối tượng nuôi theo hướng hiệu quả bền vững.

Việc hỗ trợ xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững ở các xã bãi ngang ven biển của các dự án, bảo đảm việc lựa chọn mô hình, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương, mang lại hiệu quả bền vững. Đồng thời, việc triển khai nhân rộng mô hình được xuất phát từ cộng đồng, phù hợp với điều kiện, lợi thế của từng địa phương.

Nguồn: Baothanhhoa.vn

Thư viện Video Xem thêm

Dấu ấn dịch vụ môi trường rừng năm 2023
Thư viện ảnh Xem thêm
Thống kê truy cập
Hôm nay: 10
Hôm qua: 84
Đang online: 2
Tổng lượt truy cập : 110.210