Hiệu quả kép từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
Có thêm thu nhập từ kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), người dân ý thức hơn, cùng chính quyền địa phương chung tay bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR).

Thanh Hóa có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 627.444 ha, trong đó có 311.102 ha tham gia cung ứng DVMTR. Những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR với tổng số tiền thu về quỹ đạt khoảng gần 94 tỷ đồng (bao gồm tiền ủy thác chi trả DVMTR và trồng rừng thay thế), bước đầu đã tạo ra nguồn lực quan trọng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác BV&PTR. Riêng năm 2017, Thanh Hóa đã chi trả dịch vụ môi trường rừng lên tới hơn 9,8 tỷ đồng.

Thấy được lợi ích, những năm qua người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực tham gia vào việc trồng và chăm sóc rừng. Chỉ riêng năm 2017, người dân địa phương phối hợp với một số đơn vị chủ rừng đã thực hiện việc chăm sóc 42.000 ha rừng, đồng thời trồng mới trên 10.500 ha rừng thay thế. Góp phần nâng độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đạt 53,03%.

Tại huyện Thường Xuân, năm 2017 các hộ gia đình, cộng đồng dân cư, UBND xã, các chủ rừng nhà nước trên địa bàn đã được chi trả gần 4 tỷ đồng phí dịch vụ môi trường rừng. Ông Phạm Thăng Long - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thường Xuân cho biết: Bà con sống gần rừng, ven rừng là nhân tố tích cực trong việc phát hiện các hành vi vi phạm xảy ra trong khu vực người dân nhận quản lý, BVR. Từ khi triển khai giao khoán các diện tích quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng thôn làng, ý thức bảo vệ rừng của người dân sống ven rừng được nâng lên rõ rệt, giảm thiểu việc chặt phá rừng.

Thực tế sau một thời gian thực hiện Nghị định số 05/2008/NĐ-CP và Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về triển khai Quỹ BV&PTR gắn với thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết, điển hình như thủy điện là nguồn thu chính của tiền DVMTR hiện nay (chiếm tới trên 90% số thu), trong khi đó Thanh Hóa là tỉnh có rất ít các công trình thủy điện, nên nguồn thu từ dịch vụ này đạt rất thấp. Bởi vậy, mức chi trả bình quân đối với phần diện tích thuộc lưu vực Nhà máy Thủy điện Cửa Đạt đạt từ 50.000 đến 70.000 đồng/ha/năm; lưu vực của Nhà máy Thủy điện sông Mực, Nhà máy Thủy điện Bá Thước 2, mức chi trả khoảng 2.000 - 5.000 đồng/ha/năm. Trong khi đó mục tiêu phấn đấu do Trung ương đưa ra, có sự lồng ghép với các chính sách khác của Nhà nước ở mức tối thiểu khoảng 200.000 đồng/ha/năm.

Để chính sách chi trả DVMTR ngày càng thiết thực, hiệu quả theo ông Lê Công Cường - Giám đốc Qũy BV&PTR Thanh Hóa thì  rất cần sự  quan tâm chỉ đạo sâu sát hơn của UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT, các cấp, ngành liên quan trong khắc phục những khó khăn, vướng mắc trước mắt; cần có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và lồng ghép các chương trình, dự án để đảm bảo mức chi trả tối thiểu là 200.000 đồng/ha cho tất cả diện tích rừng đã giao quản lý, không phân biệt trong hay ngoài lưu vực chi trả. Đồng thời, cần tiếp tục quy định mức thu, đối tượng thu, thời điểm thu đối với các loại hình dịch vụ đã được ghi nhận tại Nghị định 99/2010/NĐ-CP nhằm gia tăng nguồn thu về Quỹ BV&PTR, góp phần để quỹ và chính sách chi trả DVMTR thực sự là một nguồn lực mới, tạo động lực bền vững cho phát triển lâm nghiệp của tỉnh.

Nguồn: http://vanhoadoisong.vn

(Chi tiết bài viết tại đây)

Thư viện Video Xem thêm

Dấu ấn dịch vụ môi trường rừng năm 2023
Thư viện ảnh Xem thêm
Thống kê truy cập
Hôm nay: 74
Hôm qua: 117
Đang online: 6
Tổng lượt truy cập : 144.352