Dự án Rừng và Đồng bằng (VFD) tại tỉnh Thanh Hóa - nỗ lực giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu

Dự án “Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu ở rừng và đồng bằng Việt Nam” (gọi tắt là Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam – VFD) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ cho Chính phủ Việt Nam với tổng ngân sách ODA hỗ trợ không hoàn lại là 31,5 triệu USD, được thực hiện bởi Tổ chức Winrock International và một số tổ chức phi chính phủ. Dự án thực hiện trong 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2014-2017) thực hiện tại 4 tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An và Long An. Giai đoạn 2 (2018-2020) thực hiện tại Thanh Hóa, Quảng Ninh, Sơn La và Lâm Đồng. Trong đó, Thanh Hóa là tỉnh duy nhất được lựa chọn tham gia trong cả 2 giai đoạn của dự án. 

Cán bộ Dự án Rừng và Đồng bằng tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn.

Mục tiêu của dự án trong giai đoạn 1 là giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, giảm các nguy cơ do biến đổi khí hậu (BĐKH), tiếp cận các nguồn tài chính bền vững, nâng cao năng lực cho các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm thúc đẩy việc thích ứng với BĐKH và phát triển bền vững thông qua 2 hợp phần. Hợp phần cảnh quan bền vững và hợp phần thích ứng. Ở hợp phần cảnh quan bền vững, dự án tập trung can thiệp tại khu vực có rừng tại các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính từ rừng thông qua phương pháp tiếp cận cảnh quan bền vững, với việc tác động trực tiếp vào công tác quản lý rừng, trồng rừng và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương để giảm áp lực của dân cư vào rừng. Hợp phần thích ứng tập trung can thiệp tại khu vực đồng bằng, bao gồm các tỉnh Nam Định và Long An nhằm mục tiêu tăng khả năng ứng phó của các tổ chức và Nhân dân tại đây trước hiểm họa thiên tai trước mắt, đồng thời thực hành các giải pháp ứng phó đối với tác động lâu dài của BĐKH. Công tác tập huấn và lập kế hoạch sẽ đi đôi với việc thí điểm và nhân rộng các mô hình hiệu quả tại các tỉnh nhằm cung cấp cứ liệu thực tiễn cho các cơ quan ở cấp Trung ương để chỉ đạo, triển khai và nhân rộng những mô hình có tính hiệu quả và khả thi cao.

Được sự hỗ trợ từ dự án và sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền, địa phương trong tỉnh, trong giai đoạn 1, dự án đã triển khai thực hiện 9 nhóm nội dung chủ yếu, bao gồm: (1) Sử dụng đất trong quá trình ra quyết định (thí điểm giao rừng cho cộng đồng); (2) Kết quả phân tích tác động của BĐKH và thích ứng được sử dụng trong quá trình lập kế hoạch (lồng ghép thích ứng BĐKH trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương); (3) Tham vấn rộng rãi và hiệu quả thông qua các hoạt động truyền thông về BĐKH; (4) Nâng cao năng lực để tiếp cận và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn cho các hoạt động thích ứng với BĐKH; (5) Tiếp cận nhiều hơn tới các cơ hội tài chính (thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước); (6) Trình diễn, tính toán các bon dựa trên chiến lược phát triển phát thải thấp (thí điểm thực hiện REDD+ và sinh kế thích ứng với BĐKH); (7) Giảm phá rừng, suy thoái rừng (hỗ trợ lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng là tổ chức trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo tồn thiên nhiên); (8) Trình diễn mô hình phục hồi rừng thân thiện với đa dạng sinh học; (9) Khuyến khích khối tư nhân tham gia giải quyết các lý do gây mất rừng, suy thoái rừng (hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng và đề xuất một số dự án sản xuất, chế biến lâm sản, phụ phẩm, phế phẩm và tre luồng...).

Bên cạnh những kết quả thực hiện các nội dung hoạt động nêu trên, dự án đã hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa xây dựng, phê duyệt 3 kế hoạch quan trọng, đó là: Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh (được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-UBND ngày 28-1-2016); Kế hoạch phát triển tre, luồng (đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 636/QĐ-UBND ngày 24-2-2016) và Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh (được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1730/QĐ-UBND ngày 20-5-2016). Các kế hoạch này là tiền đề quan trọng giúp tỉnh thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng trưởng xanh, đồng thời thu hút các nhà đầu tư và sự quan tâm, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và đến nay, các kế hoạch này đang phát huy hiệu quả rõ rệt thông qua một loạt các dự án phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dự án sản xuất gạch không nung, sản xuất nông nghiệp xanh, sạch... được tỉnh phê duyệt. Đồng thời thu hút được nhiều dự án hỗ trợ không hoàn lại đến từ nhà tài trợ nước ngoài như: Dự án chuỗi giá trị sò và tre do Oxfarm tài trợ, Dự án GCF chống chịu BĐKH do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ, Dự án sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2 do Quỹ đối tác Carborn trong lâm nghiệp (FCPF) của World Bank (WB) tài trợ, dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ (2021-2025) và Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ do Quỹ FCPF của WB thực hiện (2018-2025)... Kết quả thực hiện dự án giai đoạn 1 tại tỉnh Thanh Hóa đã được Ban Quản lý dự án Trung ương, nhà tài trợ là Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao. Đây là cơ sở để nhà tài trợ và chủ dự án tiếp tục lựa chọn Thanh Hóa tham gia vào giai đoạn 2 của dự án.

Với nguồn vốn bổ sung của USAID trong giai đoạn 2 là 5 triệu USD; dự án tiếp tục thực hiện hỗ trợ chính sách chi trả DVMTR, kế thừa và phát huy các kết quả đã đạt được trong giai đoạn 1 để tiếp tục hoàn thiện mục tiêu của dự án đã đặt ra trong hợp phần cảnh quan bền vững, cụ thể là: Thí điểm mở rộng nguồn thu DVMTR đối với dịch vụ lưu trữ và hấp thụ các bon của rừng (C-PFES); xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống giám sát, đánh giá trong chi trả DVMTR; cải thiện phương thức thanh toán tiền DVMTR và nâng cao năng lực thực hiện chính sách ở các cấp.

Trong quá trình thực hiện giai đoạn 2 tại tỉnh, dự án đã hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực thực hiện chính sách chi trả DVMTR cho hơn 400 cá nhân và 11 tổ chức trên địa bàn tỉnh. Rà soát, cập nhật hơn 6,5 nghìn hecta rừng trồng xoan trên địa bàn huyện Mường Lát làm cơ sở chi trả tiền DVMTR; hỗ trợ xây dựng và 3 quy chế thôn/bản trong quản lý và sử dụng tiền DVMTR của cộng đồng, trong đó hỗ trợ xây dựng 3 nhóm phụ nữ tiết kiệm từ nguồn tiền DVMTR của cộng đồng để cho vay phát triển sinh kế, ổn định cuộc sống từ đó giảm áp lực của người dân vào rừng. Hỗ trợ xây dựng 10 phương án quản lý rừng bền vững theo Thông tư 28/2018/TT-BNN&PTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 10 chủ rừng là tổ chức có tham gia vào việc cung ứng DVMTR. Xây dựng hệ thống phần mềm giám sát đánh giá thực hiện chính sách chi trả DVMTR cho Ban Quản lý Quỹ bảo vệ, phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai của tỉnh. Hỗ trợ công tác truyền thông của chính sách thông qua việc xây dựng các bảng tin tuyên truyền về DVMTR; thí điểm mở rộng dịch vụ lưu trữ và hấp thụ các bon của rừng...

Kết quả thực hiện Dự án Rừng và Đồng bằng tại các tỉnh thực hiện dự án nói chung và tại tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã góp phần tích cực trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Nhà nước về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thích ứng với BĐKH, đặc biệt trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Đồng thời, đã góp phần nâng cao năng lực, nhận thức và hành động cho các cấp chính quyền địa phương, các chủ rừng là tổ chức và người dân về ứng phó với BĐKH trong giai đoạn tới.

Nguồn: Baothanhhoa.vn

Các tin liên quan
Thư viện Video Xem thêm

Dấu ấn dịch vụ môi trường rừng năm 2023
Thư viện ảnh Xem thêm
Thống kê truy cập
Hôm nay: 97
Hôm qua: 110
Đang online: 5
Tổng lượt truy cập : 108.505