Những “ngôi nhà hạnh phúc” vùng ven biển
Có đi đến tận cùng của nỗi đau mới cảm nhận hết sự trân quý của niềm hạnh phúc. Có một lần sống tạm bợ trong ngôi nhà dột nát, đe dọa sập bất kỳ lúc nào mới thấy hết được giá trị to lớn mà những ngôi nhà ở chống chịu bão, lụt do Quỹ khí hậu xanh (GCF) tài trợ cho các cộng đồng dễ bị tổn thương vùng ven biển Việt Nam mang lại.

Ngôi nhà mới kiên cố, rộng rãi của gia đình bà Mai Thị Khiết được xây dựng từ nguồn kinh phí hỗ trợ 

thuộc dự án của GCF về “Tăng cường năng lực chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu

các cộng đồng cư dân ven biển tại Việt Nam”.

Trong ngôi nhà với diện tích khoảng 50m2, mái lợp tôn, tường xây xi măng kiên cố, vững chãi, bà Lê Thị Quảng (77 tuổi, thôn Thắng Tây, xã Ngư Lộc, Hậu Lộc) đưa tay rờ rẫm tìm chén nước mời khách, nhìn đứa con trai bị teo não bẩm sinh mà nghẹn lời. Bà kể: “Trước đây, hai mẹ con ở trong ngôi nhà 2 gian cấp 4 được xây dựng từ năm 1985 dột nát, cũ kỹ. Tường nhà nứt hết, phải lấy luồng chống tạm, bạt căng khắp nhà mà hễ trời mưa nhỏ đã dột ướt lép nhép. Mỗi lần mưa to, sân nhà thấp hơn đường nên thường bị ngập, 2 mẹ con lấy xô ngồi cặm cụi tát cả tháng trời chưa hết nước trong nhà. Đêm nằm co ro trong góc nào ít dột hơn, tôi nhìn con mà khóc cạn nước mắt, chỉ lo chợp mắt một chút là nhà sập, đổ ập xuống người hai mẹ con lúc nào không hay”.


Bà Lê Thị Quảng không giấu nổi niềm vui, xúc động khi được dự án của GCF hỗ trợ xây dựng ngôi nhà mới.



Cứ ngỡ rằng đời mình phải sống mòn trong căn nhà rách nát, cho đến khi cán bộ UBND xã Ngư Lộc đến tận nhà động viên gia đình xây dựng ngôi nhà mới dựa vào nguồn kinh phí của Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do GCF tài trợ. Ban đầu, khi đại diện chính quyền xã Ngư Lộc xuống nhà vận động tham gia dự án, bà Quảng một mực từ chối. Bà tâm sự: “Hai mẹ con thân cô thế cô, kẻ ốm, người vô năng, chẳng có đồng vốn nào lận lưng rồi mà vay mượn, dỡ nhà ra xây thì lấy tiền đâu trả, lấy ai thu vén, lo liệu”. Nhưng chính sự nhiệt tình, trách nhiệm, đáng tin cậy của chính quyền xã Ngư Lộc và bản thân những cán bộ của Dự án GCF qua các lần gặp gỡ, trao đổi đã giúp bà Quảng có thêm động lực, quyết định tham gia dự án.

Hai mẹ con bà Quảng chuyển về ngôi nhà mới trong niềm hân hoan, ngỡ ngàng như vừa trải qua giấc mơ đẹp đẽ nhất đời mình. Nhà lát gạch hoa, gác xép rộng rãi, móng kiên cố, mái lợp tôn lạnh. Thuộc diện ưu tiên đặc biệt, cấp thiết phải làm ngay, nên khi vừa làm xong phần móng, Dự án GCF tỉnh đã chuyển 90% số tiền trong tổng mức hỗ trợ thực hiện dự án. Ngắm nhìn cậu con trai ngây ngô lăn lộn trên nền nhà, bà Quảng đưa tay lau vội giọt nước mắt: “Bao nhiêu năm khốn khổ, nay được hỗ trợ xây dựng căn nhà mới, kiên cố, đẹp đẽ, tôi mừng phát khóc. Cả đời tôi chỉ mong mỏi đứa con có được cái nhà trú thân cho đàng hoàng, tử tế để đời nó đỡ thiệt thòi”.


Ngôi nhà phòng chống lụt bão của gia đình bà Mai Thị Khiết được xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ của GCF.

Cũng như gia đình bà Quảng, gia đình bà Mai Thị Khiết (thôn 3, xã Nga Tiến, huyện Nga Sơn) thuộc diện hộ nghèo. Chồng đau ốm liên miên rồi mất sớm, bà Khiết một mình “thân cò lặn lội” nuôi 5 người con khôn lớn, trưởng thành. Công việc làm cói, chăn nuôi thêm con gà, con lợn, tuy đầu tắt mặt tối quanh năm mà nhiều khi cũng chẳng đủ ăn. Ngôi nhà bà ở trước đây được xây dựng từ hơn 40 năm trước nên phần lớn đã hư hỏng, dột nát. Mãi đến giữa năm 2018, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương và được thụ hưởng trực tiếp nguồn kinh phí hỗ trợ từ dự án của GCF, một phần nhỏ hỗ trợ từ con cái, bà Khiết đã xây dựng được căn nhà ở đàng hoàng, kiên cố. Ngôi nhà có tổng diện tích khoảng 35m2, tổng chi phí xây dựng khoảng gần 100 triệu đồng. Chẳng biết nói gì hơn trước niềm vui to lớn này, bà Khiết thật thà chia sẻ: “Tôi chỉ ước mình được sống thật hạnh phúc, khỏe mạnh bên con cháu trong ngôi nhà này”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Đỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Nga Tiến, cho biết: “Nga Tiến là xã bãi ngang khó khăn thuộc vùng ven biển huyện Nga Sơn. Vì thế, nhu cầu sửa sang, làm mới nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo rất cấp thiết. Tổng khảo sát của xã từ năm 2018 – 2019 có khoảng 226 hộ đủ điều kiện thụ hưởng dự án của GCF”. Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, chính quyền xã Nga Tiến sau khi tiếp nhận chủ trương từ UBND huyện Nga Sơn đã nhanh chóng tổ chức, thành lập ban chỉ đạo xây dựng nhà ở theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung và theo dự án hỗ trợ của GCF. Ông Đỉnh chia sẻ với chúng tôi trong niềm phấn khởi: “Khi được thụ hưởng dự án của GCF, bà con ai nấy đều vui mừng, hết lời cảm ơn vì cả đời họ chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ làm được ngôi nhà như thế để ở. Một điều quan trọng, thiết thực hơn nữa, dự án đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã. Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, xã Nga Tiến phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong quý III – 2019”.

Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ khí hậu xanh (GCF) tài trợ không hoàn lại thông qua chương trình phát triển của Liên hiệp quốc, bao gồm 3 hợp phần: Hợp phần 1 – Hỗ trợ xây dựng nhà phòng, chống chịu bão, lụt cho các hộ nghèo theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; hợp phần 2 – trồng rừng ngập mặn; hợp phần 3 – Quản lý thông tin rủi ro thiên tai. Dự án sẽ triển khai trong 4 năm (từ năm 2018-2021), với tổng kinh phí ODA không hoàn lại là 3,507 triệu USD, tương ứng khoảng 77,65 tỷ đồng.

Theo Văn kiện dự án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, tổng kinh phí ODA phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa để thực hiện Hợp phần 1 là 2,38 triệu USD (hỗ trợ khoảng 1.403 căn nhà cho người nghèo; định mức hỗ trợ 1.700 USD/căn). Năm 2018, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ cho 340 hộ gia đình là hộ nghèo xây dựng nhà ở chống chịu bão, lụt thuộc 4 huyện ven biển (Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia), với tổng kinh phí là 17,72 tỷ đồng, trong đó dự án GCF đã hỗ trợ là 13,2 tỷ, ngân sách tỉnh đối ứng là 4,51 tỷ đồng. Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1113/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh sách các hộ gia đình thuộc đối tượng được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo Quyết định số 48/2014-QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tham gia hợp phần 1 - dự án do Quỹ khí hậu xanh (GCF) tài trợ đợt 1, năm 2019 tại các huyện ven biển tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, tổng số hộ gia đình tham gia đợt này là 230 hộ (huyện Nga Sơn 140 hộ, huyện Hoằng Hóa 60 hộ, Hậu Lộc 28 hộ và Tĩnh Gia 2 hộ). Theo kế hoạch đợt 1, tính đến thời điểm khảo sát, tổng số hộ khởi công, xây dựng nhà theo kế hoạch được phê duyệt là 212 hộ/230 hộ (đạt 92,2%). Cụ thể: 203 hộ đã hoàn thành việc xây dựng nhà; 9 hộ đã hoàn thành phần móng và đang hoàn thiện nhà; 18 hộ chưa xây dựng do còn vướng mắc về thủ tục hành chính và các lý do cá nhân khác. Dự kiến đợt 2 năm 2019 dự án tiếp tục hỗ trợ cho 212 hộ tại 3 huyện ven biển (Nga Sơn 125 hộ, huyện Hoằng Hóa 62 hộ, huyện Hậu Lộc 25 hộ) và năm 2020 sẽ hỗ trợ các hộ còn lại tương ứng với kinh phí được dự án phân bổ (khoảng 621 hộ).

Từ những kết quả đã đạt được sau gần 2 năm thực hiện và kế hoạch dự kiến của Dự án GCF trong những năm tiếp theo, ông Lê Công Cường, Giám đốc Ban Quản lý Dự án GCF tỉnh Thanh Hóa nhận định: “Đây là một dự án thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Không chỉ nhằm góp phần thúc đẩy, cải thiện đời sống nhân dân, tăng khả năng chống chịu cho hạ tầng nhà ở dân sinh trước những tác động của biến đổi khí hậu, hỗ trợ ổn định cuộc sống và điều kiện an toàn cho các hộ dân tại những vùng thường xuyên bị thiên tai vùng ven biển tỉnh ta. Cùng với đó, dự án còn có sức lan tỏa giá trị tốt đẹp đến toàn xã hội”.

Nguồn: http://baothanhhoa.vn

(Chi tiết bài viết tại đây)


Thư viện Video Xem thêm

Dấu ấn dịch vụ môi trường rừng năm 2023
Thư viện ảnh Xem thêm
Thống kê truy cập
Hôm nay: 180
Hôm qua: 455
Đang online: 10
Tổng lượt truy cập : 141.417