Lựa chọn doanh nghiệp tham gia chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các - bon của rừng
Chiều 14-5, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe thí điểm lựa chọn doanh nghiệp xi măng, nhiệt điện than tham gia chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các - bon của rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Các đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì hội nghị.

Các đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì hội nghị.

Cùng tham dự hội nghị có đại diện Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam; tổ biên soạn dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam; các chuyên gia tư vấn; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh; lãnh đạo Công ty CP xi măng Bỉm Sơn, Công ty xi măng Nghi Sơn, Công ty xi măng Long Sơn, Công ty xi măng Công Thanh, Công ty nhiệt điện Nghi Sơn 1.

Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24-9-2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) có hiệu lực thi hành từ 1-1-2011. Sau hơn 7 năm thực hiện, chính sách chi trả DVMTR đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, huy động nguồn lực đáng kể cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người dân sống gắn bó với rừng. Tuy nhiên, đến nay, DVMTR mới chỉ tập trung vào 3 nhóm đối tượng chính là: thủy điện, nước sạch và du lịch; còn một số đối tượng khác như cơ sở sản xuất công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hấp thu và lưu giữ các - bon vẫn chưa được áp dụng do thiếu quy định, hướng dẫn cụ thể.


Đơn vị soạn thảo trình bày dự thảo quyết định

Theo dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thu và lưu giữ các - bon của rừng, Thanh Hóa sẽ là 1 trong 4 tỉnh trên địa bàn cả nước thí điểm triển khai. Các tổ chức hoạt động, sản xuất kinh doanh nhiệt điện than, xi măng sẽ tham gia thí điểm chi trả tiền dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các - bon của rừng ủy thác thông qua Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh trên địa bàn. Nguyên tắc xác định mức chi trả được tính bằng đồng/1 đơn vị sản phẩm đầu ra của các tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho việc thu nộp, kiểm tra, giám sát khoản tiền chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các - bon của rừng. Theo đó, mức chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các – bon của rừng áp dụng đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh nhiệt điện than là 4 đồng/kwh điện thương phẩm. Sản lượng điện để tính tiền chi trả dịch vụ là sản lượng điện bán cho bên mua điện theo hợp đồng mua bán điện. Mức chi trả đối với tổ chức kinh doanh xi măng là 3.100 đồng/tấn clinke. Căn cứ xác định sản lượng clinke dựa vào báo cáo tài chính hàng năm của các tổ chức. Loại rừng và đối tượng được chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các - bon của rừng là: rừng trồng đặc dụng, phòng hộ; rừng trồng sản xuất gỗ lớn; rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng; rừng ngập mặn.


Đại diện Công ty xi măng Nghi Sơn phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, các doanh nghiệp trong tỉnh cơ bản thống nhất với chủ trương của Nhà nước trong vấn đề thu phí chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các - bon của rừng, với mục đích thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với vấn đề môi trường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng thảo luận và cho nhiều ý kiến liên quan đến nội dung này, trong đó trọng tâm là các vấn đề liên quan đến cơ sở tính toán, mức thu, chi dịch vụ hấp thụ chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các - bon của rừng và đối tượng chi.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và giải trình, phân tích của đơn vị lập dự thảo quyết định, đồng chí Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đã trân trọng cảm ơn UBND tỉnh Thanh Hóa đã tiếp, làm việc, tạo cơ hội cho đơn vị soạn thảo quyết định và cơ quan cấp trên có cơ hội được lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp. Việc đối thoại thẳng thắn với các doanh nghiệp sẽ là cơ sở để đoàn công tác nghiên cứu, điều chỉnh quyết định theo phương án khả thi nhất. Trên cơ sở những băn khoăn, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp và các sở, ngành trong tỉnh, đoàn công tác sẽ tiếp thu, phân tích, nghiên cứu và báo cáo lại Thủ tướng chính phủ, các bộ, ngành trung ương để ban hành một quyết định phù hợp, khả thi nhất.

Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã kết luận cuộc họp với quan điểm, tỉnh Thanh Hóa sẽ cố gắng hết sức và cam kết thực hiện thí điểm thành công việc chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các - bon của rừng. Điều này thể hiện trách nhiệm của các doanh nghiệp trong tỉnh, của tỉnh đối với những ảnh hưởng từ vấn đề biến đổi khí hậu, phát thải nhà kính. Trên cơ sở những thảo luận, phân tích tại cuộc họp, đồng chí đề nghị các doanh nghiệp có ý kiến bằng văn bản những kiến nghị, đề xuất gửi đơn vị soạn thảo, Tổng cục Lâm nghiệp để các bộ, ngành Trung ương có cơ sở khách quan chỉnh sửa, hoàn thiện quyết định một cách phù hợp và triển khai sẽ đạt hiệu quả cao nhất.

Nguồn: baothanhhoa.vn

(Chi tiết bài viết tại đây)

Thư viện Video Xem thêm

Dấu ấn dịch vụ môi trường rừng năm 2023
Thư viện ảnh Xem thêm
Thống kê truy cập
Hôm nay: 210
Hôm qua: 455
Đang online: 16
Tổng lượt truy cập : 141.447