Thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất công nghiệp
Thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24-9-2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), từ năm 2017 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã lựa chọn Thanh Hóa là tỉnh thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất công nghiệp.


BQL Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Sông Chu về ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất công nghiệp.

Thông qua sự hỗ trợ của Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (VFD), Sở NN&PTNT đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1721/QĐ-UBND ngày 26-5-2017 quy định thí điểm chi trả DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước trên địa bàn tỉnh.

Theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, loại dịch vụ điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất công nghiệp (SXCN) được áp dụng với mức chi trả tiền DVMTR là 50 đồng/m3 nước thô. Khối lượng nước thô để tính tiền chi trả DVMTR là khối lượng nước do cơ sở SXCN sử dụng tính theo đồng hồ đo nước tại các cơ sở SXCN hoặc lượng nước được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác hoặc theo chứng từ bán nước thô giữa cơ sở SXCN với đơn vị bán nước thô. Số tiền phải chi trả DVMTR trong kỳ hạn thanh toán bằng sản lượng nước thô đã sử dụng trong kỳ hạn thanh toán nhân với mức chi trả DVMTR tính trên 1m3 nước thô. Phương thức chi trả tiền DVMTR được áp dụng với hai phương thức thực hiện. Một là đối với các cơ sở SXCN có sử dụng nước cho công nghiệp mua trực tiếp nước thô từ Công ty TNHH MTV Sông Chu thì giao Công ty TNHH MTV Sông Chu đại diện ký kết hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR với Ban Quản lý Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa (gọi tắt là BQL Quỹ) và thực hiện chi trả tiền vào tài khoản của BQL Quỹ tỉnh theo quy định. Công ty TNHH MTV Sông Chu được hạch toán tiền chi trả DVMTR vào đơn giá bán nước thô cho các cơ sở SXCN. Hai là đối với các cơ sở SXCN có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước tự nhiên (không mua bán nước thô với Công ty TNHH MTV Sông Chu), trực tiếp ký kết hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR với BQL Quỹ tỉnh và chi trả tiền vào tài khoản của BQL Quỹ tỉnh theo quy định.

Thực hiện Quyết định số 1721/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh, ngày 9-6-2017, BQL Quỹ đã tham mưu cho Sở NN&PTNT, Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị triển khai quyết định thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ điều tiết và duy trì nguồn nước cho SXCN đến các cơ sở SXCN. Đồng thời, giao BQL Quỹ triển khai, thực hiện thí điểm với 13 đơn vị, doanh nghiệp. Đến hết tháng 7-2018 (kết thúc thời điểm thí điểm), theo báo cáo của BQL Quỹ, toàn tỉnh đã thu được 228/168 triệu đồng, đạt 135% kế hoạch. Số tiền thu đã được tổng hợp, đưa vào kế hoạch chi trả tiền DVMTR năm 2018 và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1862/QĐ-UBND ngày 21-5-2018. Trong đó, số tiền thu được điều tiết hỗ trợ cho các chủ rừng tại lưu vực có mức chi trả thấp theo quy định tại Thông tư số 22/2017/TT-BNNPTNT ngày 15-11-2017 của Bộ NN&PTNT.

Việc triển khai thực hiện thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ điều tiết và duy trì nguồn nước cho SXCN đã tạo động lực cho các chủ rừng thực hiện tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cùng với các chính sách khác đã tạo thêm nguồn thu nhập cho các hộ gia đình, cá nhân làm nghề rừng cải thiện đời sống, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi. Thông qua việc triển khai thực hiện chính sách cũng có tác động tích cực về mặt xã hội: Các cơ sở SXCN là người sử dụng dịch vụ phải chi trả tiền DVMTR cho rằng việc chi trả tiền DVMTR là bảo đảm công bằng xã hội giữa người sử dụng DVMTR (sử dụng nước) và người cung cấp dịch vụ, giúp nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đồng thời, việc chi trả tiền DVMTR giúp các cơ sở SXCN sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả hơn. Qua đó cho thấy, ý nghĩa của chính sách chi trả DVMTR về mặt kinh tế không chỉ ở mức độ đóng góp về nguồn lực tài chính, mà quan trọng hơn là ở tính bền vững của nó trên cơ sở tự nguyện của các bên cung ứng và sử dụng DVMTR.

Kết quả thực hiện thí điểm trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh bạn (Nghệ An, Hà Tĩnh, Lao Cai) đã giúp Bộ NN&PTNT tổng kết, đánh giá làm cơ sở để xác định mức chi trả, đối tượng chi trả, phương thức chi trả và cơ chế quản lý và sử dụng tiền chi trả DVMTR đối với dịch vụ điều tiết và duy trì nguồn nước cho SXCN; hoàn thiện chính sách và tham mưu cho Chính phủ đưa vào Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 về thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Đây là cơ sở để tỉnh Thanh Hóa nói riêng và các tỉnh, thành trên toàn quốc nói chung triển khai thực hiện trên diện rộng trong những năm tới.

Nguồn:http://baothanhhoa.vn

(Chi tiết bài viết tại đây

Thư viện Video Xem thêm

Dấu ấn dịch vụ môi trường rừng năm 2023
Thư viện ảnh Xem thêm
Thống kê truy cập
Hôm nay: 193
Hôm qua: 455
Đang online: 18
Tổng lượt truy cập : 141.430