Thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Theo quy định của Nghị đnh 156/2018/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 156) ngày 16-11-2018 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp thì cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp, bao gồm các cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc các ngành nghề theo quy định hiện hành phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho bên cung ứng DVMTR theo hình thức chi trả trực tiếp hoặc ủy thác qua Quỹ bảo vệ, phát triển rừng (BVPTR) và Phòng chống thiên tai (PCTT) tỉnh Thanh Hóa ( sau đây gọi tắt là Ban quản lý Quỹ).


Hội nghị triển khai thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng

đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Khối lượng nước để tính tiền chi trả DVMTR là khối lượng nước cơ sở sản xuất nước công nghiệp đã sử dụng tính theo đồng hồ đo nước hoặc theo lượng nước được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc theo chứng từ mua bán nước giữa cơ sở sản xuất công nghiệp với đơn vị kinh doanh nước được quy định tại Điểm 3, Điều 59, Nghị định 156 là 50 đồng/m3.

Thanh Hóa là một trong những tỉnh thực hiện thí điểm Chi trả DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp. Thông qua sự hỗ trợ của Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (VFD), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1721/QĐ-UBND ngày 26-5-2017 quy định thí điểm chi trả DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Kết thúc thí điểm (tháng 7-2018), theo báo cáo của Ban quản lý Quỹ BVPTR và PCTT tỉnh, toàn tỉnh đã thu được 228/168 triệu đồng, đạt 135% kế hoạch. Số tiền thu đã được điều tiết chi trả hỗ trợ cho các chủ rừng tại lưu vực cung ứng DVMTR có mức chi trả thấp trong năm 2018. Kết quả thực hiện thí điểm đã giúp Bộ NN&PTNT tổng kết, đánh giá làm cơ sở để xác định mức chi trả, đối tượng chi trả, phương thức chi trả và cơ chế quản lý và sử dụng tiền chi trả DVMTR đối với loại dịch vụ điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất công nghiệp; hoàn thiện chính sách và tham mưu cho Chính phủ đưa vào Nghị định số 156/2018/NĐ-CP như đã nêu trên.

Triển khai thực hiện chi trả DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định của Nghị định 156, ngay trong năm 2019, Ban quản lý Quỹ đã tham mưu, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh sách các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước phải chi trả tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 2521/QĐ-UBND ngày 25-6-2019). Đến nay, Ban quản lý Quỹ đã tổ chức ký kết được 10 hợp đồng ủy thác với tổng số tiền thu được đến thời điểm hiện tại là 211 triệu đồng, trong đó năm 2019 là 104 triệu đồng. Còn 22 đơn vị chưa ký hợp đồng ủy thác. Nguyên nhân chính là do một số doanh nghiệp dừng sản xuất; một số doanh nghiệp giải thể chuyển đổi ngành nghề; một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên kinh doanh không ổn định. Ban quản lý Quỹ đang tiếp tục đấu mối để ký hợp đồng đảm bảo theo quy định.

Vì nguồn nước cung cấp cho các cơ sở sản xuất nước công nghiệp hiện tại chưa xác định được chính xác lưu vực cung ứng, do đó số tiền DVMTR thu được từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, Ban quản lý Quỹ tham mưu cho UBND tỉnh điều tiết hỗ trợ cho các chủ rừng tại lưu vực các nhà máy thủy điện có mức chi trả thấp; hỗ trợ công tác BVPTR, trồng cây phân tán, trồng rừng cảnh quan trong các lưu vực cung ứng DVMTR; tuyên truyền, phổ biến nâng cao năng lực thực thi chính sách chi trả DVMTR theo quy định tại Tiết e, Khoản 2, Điều 72, Nghị định 156.

Chính sách chi trả DVMTR đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả trong việc tạo nguồn lực tài chính ổn định, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng, phục vụ công tác BV PTR và quản lý rừng bền vững. Hiện tại, nguồn thu DVMTR trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chủ yếu từ các cơ sở sản xuất thủy điện, năm 2020 các đơn vị này ủy thác qua Ban quản lý Quỹ khoảng 26.750 triệu đồng, chiếm 91,8% tổng số tiền các đơn vị sử dụng DVMTR nộp. Trong khi đó nguồn thu DVMTR từ các cơ sở sản xuất công nghiệp chỉ được 107 triệu đồng, chiếm 0,36%. Trung bình mỗi cơ sở nộp khoảng 5,3 triệu đồng/năm/hợp đồng. Nguyên nhân chính là do các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước không nhiều, mặt khác các cơ sở đã áp dụng công nghệ tái sử dụng nước. Vì vậy, khả năng mở rộng, tăng nguồn thu DVMTR của loại hình này là không cao. Do đó, Ban quản lý Quỹ đang kiến nghị với các cấp có thẩm quyền quy định một mức thu DVMTR cố định đối với các cơ sở nhỏ lẻ và hình thức là đơn vị tự kê khai và nộp tiền về tài khoản của quỹ tỉnh. Quỹ tỉnh không cần thiết phải ký hợp đồng.


Nguồn: baothanhhoa.vn

Thư viện Video Xem thêm

Dấu ấn dịch vụ môi trường rừng năm 2023
Thư viện ảnh Xem thêm
Thống kê truy cập
Hôm nay: 21
Hôm qua: 455
Đang online: 9
Tổng lượt truy cập : 141.258