Triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng trên cơ sở kết quả tổng điều tra, kiểm kê rừng và theo dõi diễn biến rừng
Ban Quản lý quỹ bảo vệ, phát triển rừng và phòng chống thiên tai tỉnh hướng dẫn một số chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các địa phương và chủ rừng.

Ban Quản lý quỹ bảo vệ, phát triển rừng và phòng chống thiên tai tỉnh

hướng dẫn một số chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các địa phương và chủ rừng.

Trong đó, quy định việc xác định diện tích rừng để chi trả DVMTR được thực hiện trên cơ sở kết quả tổng điều tra, kiểm kê rừng; kết quả theo dõi diễn biến rừng và bản đồ dùng để xác định diện tích rừng trong lưu vực quy định tại Thông tư số 60/2012/TT-BNNPTNT ngày 9-11-2012 của Bộ NN&PTNT về nguyên tắc, phương pháp xác định diện tích rừng trong lưu vực phục vụ chi trả DVMTR. Theo đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm xác định diện tích rừng được chi trả DVMTR cho chủ rừng là tổ chức; phối hợp với hạt kiểm lâm xác định diện tích rừng được chi trả DVMTR cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, UBND cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng trên cơ sở cập nhật bản đồ chi trả DVMTR từ kết quả theo dõi diễn biến rừng hàng năm.

Thực hiện Thông tư số 22/2017/TT-BNNPTNT ngày 15-11-2017 của Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 46/KH-SNN&PTNT ngày 29-8-2018 triển khai, thực hiện Thông tư số 22/2017/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Trong đó, giao Ban Quản lý quỹ bảo vệ, phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa (gọi tắt là Ban Quản lý quỹ) chủ trì, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Lâm nghiệp, UBND các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Quan Sơn, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Thọ Xuân và Triệu Sơn tổ chức rà soát, thiết lập hồ sơ chi trả DVMTR cho các chủ rừng theo các quy định tại thông tư và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh.

Từ đầu tháng 9-2018 đến nay, Ban Quản lý quỹ đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức làm việc với các địa phương và các chủ rừng là tổ chức. Tại các buổi làm việc, Ban Quản lý quỹ đã giới thiệu nội dung Thông tư số 22/2017/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, trong đó nhấn mạnh những điểm mới, những thay đổi về trình tự xác định diện tích rừng để chi trả DVMTR; hướng dẫn các địa phương rà soát, xác định chủ rừng, phạm vi ranh giới, diện tích từng lô rừng và xây dựng bản đồ chi trả DVMTR để chi trả đến từng hộ gia đình, cá nhân. Đối với những lưu vực có mức chi trả thấp (dưới 20.000 đồng/ha/năm), thì hướng dẫn cho các địa phương thiết lập hồ sơ chi trả DVMTR theo nhóm hộ hoặc chi trả cho cộng đồng thôn, trong đó Ban Quản lý quỹ đã hướng dẫn các cộng đồng thôn tổ chức họp thôn để cử người đại diện cộng đồng đứng tên nhận tiền chi trả DVMTR, đồng thời xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tiền chi trả DVMTR tại các cộng đồng thôn. Kết quả rà soát bước đầu cho thấy, toàn tỉnh có 370.100 ha rừng thuộc lưu vực các nhà máy thủy điện Cửa Đạt, Dốc Cáy, Bái Thượng, Trung Sơn, Bá Thước 1, 2 và Sông Mực được chi trả DVMTR. Trong đó, có 25 chủ rừng là tổ chức; 450 nhóm hộ và cộng đồng thôn; chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân có trên 5.000 hộ (tập trung tại các lưu vực có mức chi trả cao, như Nhà máy Thủy điện Cửa Đạt và Nhà máy Thủy điện Trung Sơn).

Tuy nhiên, trong quá trình rà soát trích xuất số liệu từ bản đồ theo dõi diễn biến rừng, kiểm kê rừng và bản đồ lưu vực với tình hình thực hiện chi trả DVMTR trong những năm qua, công tác xác định diện tích rừng để chi trả DVMTR theo Thông tư số 22/2017/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT còn có một số tồn tại, hạn chế. Điển hình như phần diện tích đang tạm giao cho UBND xã quản lý, hiện nay đã được giao đất bổ sung, chia tách nhưng chưa được cập nhật vào kết quả điều tra, kiểm kê rừng và kết quả theo dõi diễn biến rừng hàng năm. Diện tích và tên chủ rừng chưa trùng khớp giữa bản đồ kiểm kê, bản đồ theo dõi diễn biến rừng với hồ sơ giao đất, giao rừng; một số thôn, bản đã được sáp nhập, đổi tên mới theo Nghị quyết số 106/NQ-HĐND ngày 11-7-2018 của HĐND tỉnh nhưng việc cập nhập vào hồ sơ kiểm kê rừng và theo dõi diễn biến rừng chưa theo kịp.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả DVMTR nói chung và xác định diện tích rừng để chi trả DVMTR theo Thông tư số 22/2017/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT nói riêng, trong thời gian tới, Ban Quản lý quỹ sẽ tiếp tục phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Lâm nghiệp, UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ rà soát, thiết lập hồ sơ, dữ liệu và xây dựng bản đồ chi trả DVMTR cho các chủ rừng theo đúng quy định tại Thông tư số 22/2017/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, đảm bảo việc chi trả DVMTR năm 2018 được thực hiện trên cơ sở kết quả tổng điều tra, kiểm kê rừng và kết quả theo dõi diễn biến rừng trong năm.

Nguồn: http://baothanhhoa.vn

(Chi tiết bài viết tại đây)


Thư viện Video Xem thêm

Dấu ấn dịch vụ môi trường rừng năm 2023
Thư viện ảnh Xem thêm
Thống kê truy cập
Hôm nay: 224
Hôm qua: 170
Đang online: 13
Tổng lượt truy cập : 134.648