Mô hình trồng cây ăn quả được phát triển từ nguồn chi trả dịch vụ môi trưởng rừng ở thôn Na Nghịu,
xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước, góp phần cải thiện đời sống của người dân vùng núi sống bằng nghề rừng, trở thành nguồn lực lớn, giảm gánh nặng ngân sách cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Trong nhiều năm qua, công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng luôn được Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng quy định. Đặc biệt, đến nay Quỹ đã thực hiện thanh toán 100% tiền dịch vụ môi trường rừng qua đơn vị dịch vụ chi trả (bên thứ 3) là Ngân hàng, Kho bạc nhà nước và Bưu điện. Qua đó, góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch, an toàn, giảm chi phí quản lý, rút ngắn thời gian thanh toán trong công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân tham gia bảo vệ rừng. Việc chỉ trả kịp thời tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống cho các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng.
Ông Vi Văn Tấn - Trưởng thôn Na Nghịu, xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân chia sẻ: “Nhiều năm trước, cuộc sống của chúng tôi chủ yếu phụ thuộc vào rừng. Bà con thường xuyên vào rừng khai thác lâm sản phụ đã ảnh hưởng đến rừng. Được sự tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền huyện, xã, Nhân dân đã từng bước thay đổi tập quán, ý thức bảo vệ rừng. Đặc biệt, từ khi triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhiều hộ dân đã xung phong nhận khoán bảo vệ rừng và được chi trả nguồn kinh phí, góp phần nâng cao đời sống".
Năm 2021, toàn thôn Na Nghịu đã được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trên diện tích 3.000 ha với tổng kinh phí khoảng 700 triệu đồng. Trong đó có một số hộ nhận khoán và bảo vệ rừng với diện tích lớn lên tới 30 ha. Nhờ có nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng ổn định, một số hộ đã mạnh dạn đầu tư vào trồng cây ăn quả và chăn nuôi mang lại thu nhập khá.
Ông Lò Văn Huyến - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lư, huyện Quan Sơn cho biết: Xã Tam Lư, huyện Quan Sơn hiện có trên 4.600 ha đất sản xuất lâm nghiệp. Trong những năm qua, nhờ có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nên toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp của xã cơ bản được bao phủ bởi màu xanh của cây cối, với tỷ lệ che phủ đạt trên 91%. Cũng nhờ làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng nên hàng năm, các chủ rừng trên địa bàn xã được nhận tiền dịch vụ môi trường từ một số nhà máy thủy điện trên lưu vực chi trả với số tiền 125 triệu đồng. Nguồn kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng đã được sử dụng để mua sắm các trang thiết bị bảo hộ cho tổ đội bảo vệ rừng cộng đồng tại các thôn bản, ngoài ra còn là nguồn lực quan trọng để nhiều thôn, bản sử dụng sửa chữa, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng như: xây dựng công trình nước sạch, thủy lợi, tu sửa nhà văn hóa…
Bên cạnh đó, chính sách dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng thay thế còn góp phần hỗ trợ nguồn kinh phí để các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực trồng mới diện tích rừng. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã trồng được hơn 7.100 ha rừng, trong đó rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên 1.400 ha, rừng sản xuất trên 5.700 ha, đạt 213% so với kế hoạch trồng rừng thay thế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.
Nguồn: Baothanhhoa.vn