Công ty TNHH MTV Trung Sơn ký kết hợp đồng ủy thác chi trả tiền dịch vụ
môi trường rừng với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam ngày 5/7/2017
Theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cá nhân hưởng lợi từ DVMTR như: thủy điện, nước sạch, du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trong quá trình sản xuất hoặc các nhà máy phát thải khí CO2 phải chi trả DVMTR.
Cụ thể: tại Điều 59, Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định rõ mức chi trả của loại hình dịch vụ thủy điện 36 đồng 1 KWh; nước sạch 52 đồng 1 m3, nước công nghiệp 50 đồng 1 m3 nước sạch và du lịch tối thiểu là 1% doanh thu. Nguồn thu này được cơ cấu trong giá thành sản xuất, nộp ủy thác vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, để chi trả cho các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đảm nhận trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng.
Công ty TNHH MTV Trung Sơn, đơn vị vận hành nhà máy Nhà máy Thủy điện Trung Sơncó công suất 260 MW, được xây dựng trên dòng sông Mã, thuộc địa phận xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa. Đây là dự án đầu tiên được Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ tín dụng, nhà máy được thiết kế kỹ thuật, thẩm định và vận hành trên cơ sở các quy tắc thực hành tốt trên thế giới, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về môi trường, xã hội và an toàn đập. Không chỉ cung cấp điện với chi phí thấp, an toàn, Nhà máy Thủy điện Trung Sơn còn có vai trò kiểm soát lũ cho hạ lưu, với dung tích phòng lũ thường xuyên là 112 triệu m3 và cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện quy định của pháp luật về chính sách chi trả DVMTR, Công ty TNHH MTV Trung Sơn đã chủ động thực hiện kê khai và nộp tiền ủy thác về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam. Tổng số tiền DVMTR công ty đã nộp từ ngày tháng 7/2017 đến nay là hơn 120 tỉ VNĐ. Số tiền trên sẽ được chi trả cho các chủ rừng thuộc lưu vực nhà máy thủy điện Trung Sơn bao gồm các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa.
Ban quản lý Quỹ bảo vệ, phát triển rừng tỉnh Thanh Hóalà đơn vị thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua thường xuyên đôn đốc, thu tiền DVMTR đối với các nhà máy thủy điện với nhiều hình thức khác nhau như: gửi văn bản đôn đốc; thành lập đoàn công tác, làm việc trực tiếp với các công ty sản xuất thủy điện. Qua kiểm tra, đánh giá thì Công ty TNHH MTV Trung Sơn là đơn vị tiêu biểu, đã thực hiện tốt nghĩa vụ nộp tiền chi trả DVMTR đúng, đủ theo quy định.
Theo báo cáo của Ban quản lý Quỹ bảo vệ, phát triển rừng tỉnh Thanh Hóa, đơn vị đã tiếp nhận số tiền DVMTR từ Quỹ bảo vệ, phát triển rừng Việt Nam do Nhà máy thủy điện Trung Sơn nộp là hơn 18 tỉ VNĐ đồng. Số tiền này được chi trả cho các chủ rừng trên địa bàn huyện Mường Lát và một phần xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa.
Ông Hồ Tuấn Nam, Chánh văn phòng Công ty TNHH MTV Thuỷ điện Trung Sơn cho biết: Dịch vụ môi trường rừng mà công ty được cung ứng gồm: Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; Điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thuỷ điện. Thông qua việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, công ty đã góp phần chi trả các lợi ích mà dịch vụ môi trường rừng đem lại cho nhà máy thuỷ điện Trung Sơn trong việc sử dụng nguồn nước mặt sông Mã để phát điện. Các khu rừng trong lưu vực hồ chứa thuỷ điện Trung Sơn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết và duy trì nguồn nước đồng thời hạn chế xói mòn và bồi lắng hồ chứa sẽ góp phần kéo dài tuổi thọ hồ chứa thuỷ điện Trung Sơn.
Việc chi trả DVMTR đem lại lợi ích bền vững cho không chỉ nhà máy thuỷ điện Trung Sơn mà còn đóng góp nguồn tài chính trong việc bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng, bảo vệ tài nguyên nước trong lưu vực sông Mã, góp phần bảo vệ rừng và phát triển rừng./.
Nguồn: Baothanhhoa.vn