Nhà văn hóa thôn Hang Cáu, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân được sửa chữa
nâng cấp từ tiền chi trả DVMTR cho cộng đồng và các nguồn hỗ trợ khác
Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nằm trên lưu vực thượng nguồn Sông Chu thuộc địa bàn huyện Thường Xuân. Duy trì và tăng độ che phủ rừng trên 97%; nâng cao khả năng giá trị phòng hộ đầu nguồn và cung cấp nguồn sinh thủy cho hồ thủy điện Cửa Đạt, Xuân Minh, Bái Thượng và Dốc Cáy; đảm bảo nguồn nước tưới cho 86.000 ha đất nông nghiệp, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho vùng hạ lưu tỉnh Thanh Hóa; Bảo tồn được giá trị đa dạng sinh học và các giá trị dịch vụ môi trường rừng; bảo tồn và phát triển 56 loài thực vật, 94 loài động vật đặc hữu, quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới, điển hình như các loài: Pơmu, sa mu dầu, bách xanh, vượn đen má trắng, voọc xám, các loài mang; Bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái rừng, thông qua các biện pháp lâm sinh như: Trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng, làm giàu rừng, nhằm phát huy tối đa các chức năng của rừng như hạn chế xói mòn đất, chống suy thoái tài nguyên nước; bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn nguồn gen các loài động, thực vật quý hiếm,…
Để thực hiện nhiệm vụ được giao, hàng năm Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên yêu cầu phải có nhiều kinh phí để hoạt động nhưng nguồn ngân sách đầu tư của nhà nước còn rất hạn chế, không đủ đáp ứng cho các nhiệm vụ được giao. Từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã góp phần phát huy hiệu quả trong các hoạt động xây dựng, bảo tồn và phát triển các loại tài nguyên thiên nhiên quý hiếm của hệ sinh thái rừng nhiệt đới. Đồng thời, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương thông qua giao khoán bảo vệ, phát triển rừng và các hoạt động lâm nghiệp khác. Từng bước nâng cao nhận thức chủ rừng, người dân chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; bảo tồn các giá trị văn hóa, kiến thức bản địa của địa phương. Tạo môi trường thuận lợi thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp bền vững, theo chuỗi giá trị.
Ông Ngô Xuân Thắng – Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên cho biết: Hiện, Ban Quản lý KBTTN đang quản lý và bảo vệ 24.728,60 ha, trong đó: Rừng đặc dụng 23.816,23 ha; Rừng sản xuất 912,37 ha. Năm 2020 với diện tích trên 24.157,11 ha rừng cung ứng DVMTR, đơn vị đã giao khoán cho 12 tổ/ nhóm, 122 hộ nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn 12 thôn vùng đệm; diện tích còn lại do Ban trực tiếp quản lý, bảo vệ.
Tại khu vực vùng đệm với địa hình phức tạp, địa bàn rộng; đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, phong tục tập quán canh tác lạc hậu cộng với tình hình dân di cư tự do trong khu vực diễn biến phức tạp; việc phá rừng làm nương, khai thác lâm sản và săn bắt thú rừng trái phép vẫn xảy ra gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, môi trường và sinh thái. Chính vì vậy, việc thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang giúp hàng nghìn hộ dân sống bằng nghề rừng, sống nhờ rừng ngày càng được cải thiện.
Ông Lê Văn Hồng – Bí thư kiêm trưởng thôn Hang Cáu, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân chia sẻ: Khi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng với Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên và được nhận tiền chi trả DVMTR, chúng tôi đã thành lập tổ tuần tra bảo vệ rừng, tháng nào cũng phân công đi tuần tra bảo vệ rừng và huy động dân bản phát dây leo, làm đường băng cản lửa. Số tiền được chi trả chúng tôi cũng trích một phần cho việc chung của thôn. Và từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, chúng tôi ý thức rõ hơn về quyền lợi, trách nhiệm của mình với rừng và giúp người dân chúng tôi có thêm việc làm, tăng thu nhập.
Trong những năm qua, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, tạo sinh kế bền vững cho người dân trên khu vực vùng đệm là việc triển khai và thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR. Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã thực hiện theo thông báo của Ban quản lý Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và phòng chống thiên tai tỉnh Thanh Hoá về thanh toán tiền DVMTR trên địa bàn huyện; tổ chức thanh toán tiền DVMTR qua tài khoản Ngân hàng cho các nhóm nhận khoán với tổng số tiền là 4,4 tỷ đồng và 2,3 tỷ đồng lần lượt vào các năm 2019 và 2020 trên tổng diện tích được chi trả là 24.157,11 ha.
Việc triển khai chính sách chi trả DVMTR đã từng bước thay đổi nhận thức bảo vệ rừng của người dân. Trước đây, không ít trường hợp bà con vào rừng đặc dụng khai thác lâm sản hay lấn chiếm đất rừng làm nương nhưng từ khi được giao quản lý, bảo vệ rừng thì tình trạng đó gần như không còn. Ngoài ra, việc chi trả DVMTR còn tạo điều kiện cho người dân gắn bó mật thiết với rừng, bà con đã coi rừng như một nguồn thu nhập đáng kể, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình. Ðiều đó giúp việc quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn rất nhiều.
Ông Ngô Xuân Thắng – Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên khẳng định: Từ khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai, công tác quản lý bảo vệ rừng của khu bảo tồn có nhiều chuyển biến rõ rệt. Thông qua chính sách chi trả DVMTR, nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các thành viên hộ nhận khoán bảo vệ rừng từng bước được nâng cao. Giảm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép về cả số vụ và mức độ thiệt hại. Đặc biệt, chính sách chi trả DVMTR đã góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Có thể thấy, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả trong việc huy động các nguồn lực tài chính ổn định, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng, phục vụ công tác bảo vệ, phát triển và quản lý rừng bền vững.