Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng tỉnh Thanh Hoá: 10 năm đồng hành, giữ màu xanh cho rừng
Qua 10 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã tác động tích cực, toàn diện đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống cho hàng nghìn người dân ở các cộng đồng dân cư giáp ranh với rừng.


Trồng rừng tạo nguồn sinh thuỷ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và phát

triển du lịch thiên nhiên (Ảnh: Mai Ngân)

Chính sách chi trả DVMTR đã tạo bước ngoặt đối với ngành lâm nghiệp, tạo ra cơ chế tài chính mới, tháo gỡ khó khăn về nguồn kinh phí cho các chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, thông qua việc thu tiền DVMTR đối với các cơ sở sử dụng DVMTR như nhà máy thủy điện, cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, cơ sở sử dụng nguồn nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp.

Việc triển khai thực hiện chính sách DVMTR đã phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần bảo vệ và phát triển diện tích rừng trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rừng tự nhiên bị xâm phạm. Theo đó, số vụ vi phạm về Luật Lâm nghiệp giảm theo từng năm; ý thức, vai trò, trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng của cộng đồng dân cư các thôn được nâng lên; huy động được nguồn lực lớn, thường xuyên cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Đồng thời góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Thanh Hóa có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 600 nghìn ha, trong đó, hơn 380.000 ha tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, tổng số tiền thu về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng(BV&PTR) đạt gần 125 tỷ đồng, trong đó năm 2021 đã thu được 16,5 tỉ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

Theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cá nhân hưởng lợi từ DVMTR như: thủy điện, nước sạch, du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trong quá trình sản xuất hoặc các nhà máy phát thải khí CO2 phải chi trả DVMTR. Trong giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 9/2021, Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh mới thực hiện thu từ 4 loại hình dịch vụ gồm: thủy điện, nước sạch, du lịch sinh thái, cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước. Nhìn chung, các cơ sở sử dụng DVMTR đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong việc nộp tiền uỷ thác về Ban quản lý Quỹ.

Đến nay, Ban quản lý Quỹ bảo vệ, phát triển rừng và phòng chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa (Ban quản lý Quỹ) đã tham mưu và trực tiếp đàm phán ký kết hợp đồng uỷ thác chi trả DVMTR với 28 doanh nghiệp có sử dụng DVMTR trên địa bàn tỉnh, trong đó: tham mưu cho Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng Việt Nam ký kết 9 hợp đồng với các nhà máy thuỷ điện có lưu vực liên tỉnh; trực tiếp ký 19 hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR. Hằng năm, các nhà máy thủy điện; nước sạch; cơ sở sản công nghiệp có sử dụng nước và du lịch nộp số tiền chi trả DVMTR về Quỹ bảo vệ, phát triển rừng tỉnh Thanh Hóa từ 15-20 tỷ đồng.

Công tác chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng: tổ chức, UBND xã, cộng đồng dân cư, hộ gia đình hàng năm được Ban quản lý Quỹ thực hiện công khai, minh bạch theo đúng các quy định của Nhà nước và có sự tham gia, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước như Chi cục kiểm lâm, các hạt kiểm lâm, UBND các huyện, xã và nhân dân.

Việc sử dụng tiền DVMTR cũng được các chủ rừng thực hiện đúng các quy định, đặc biệt đối việc sử dụng tiền DVMTR của các cộng đồng dân cư thôn đã được các thôn họp thống nhất lấy ý kiến của toàn thể người dân trong thôn/bản. Nội dung chi tập trung vào: chi trả công cho tổ tuần tra, bảo vệ rừng; chi cho việc chung của cộng đồng; dành một phần số tiền này để hình thành quỹ phát triển sinh kế trong các cộng đồng dân cư, giúp cho các hộ dân trong cộng đồng có nhu cầu, mong muốn phát triển sản xuất vay để phát triển kinh tế hộ, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tuyên truyền về chính sách chi trả

DVMTR cho người dân (Ảnh: Mai Ngân)

Để phổ biến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho nhân dân trên địa bàn có rừng của tỉnh, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, Ban quản lý Quỹ luôn chú trọng làm tốt công tác truyền thông về chính sách này, như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hàng nghìn sổ tay chi trả dịch vụ môi trường rừng, sổ tay tuần tra bảo vệ rừng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Ban quản lý Quỹ đã phối hợp với UBND các xã và Hạt Kiểm lâm các huyện tổ chức các cuộc họp, để rà soát, xác định diện tích rừng được chi trả tại 88 xã và 22 tổ chức là chủ rừng, đồng thời, lồng ghép tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đáng chú ý là Ban quản lý Quỹ đã phối hợp với ngành giáo dục tổ chức Chương trình đồng hành cùng học sinh đến trường lồng ghép việc tuyên truyền đến học sinh các trường học, góp phần chuyển tải, lan tỏa những thông điệp về bảo vệ rừng.

\

Các em học sinh Trường PTDTBT THCS Trung Lý, huyện Mường Lát được

nhận cặp từ chương trình “Đồng hành cùng em đến trường” từ Quỹ Bảo vệ

và Phát triển rừng năm 2020 (Ảnh: Mai Ngân)

Với những kết quả và kinh nghiệm đã đạt được trong việc triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR trong thời gian vừa qua, giai đoạn 2021 - 2025, Ban quản lý Quỹ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện, xãvà các đơn vị liên quan đặt mục tiêu thu và chi tiền DVMTR dự kiến 30 tỷ đồng/năm. Từ đó, tiếp tục hỗ trợ ngành lâm nghiệp của tỉnh một cách hiệu quả trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn đa dạng sinh học ; cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, làm giàu từ rừng cho cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình và người dân sống ở gần rừng./.


Nguồn: Baothanhhoa.vn


Thư viện Video Xem thêm

Dấu ấn dịch vụ môi trường rừng năm 2023
Thư viện ảnh Xem thêm
Thống kê truy cập
Hôm nay: 261
Hôm qua: 170
Đang online: 20
Tổng lượt truy cập : 134.685