Hiệu quả mô hình quỹ tiết kiệm phụ nữ tự quản từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) ra đời với mục tiêu là tạo nguồn tài chính bền vững để phát triển rừng. Đồng thời, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân phụ thuộc vào rừng và cải thiện chất lượng DVMTR.

Đại diện Ban Quản lý thôn Pọng, xã Quang Chiểu (Mường Lát) trao tiền dịch vụ môi trường rừng của cộng đồng cho nhóm phụ nữ tiết kiệm.

Sau gần 10 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho thấy hiệu quả của chính sách đối với các mục tiêu tạo nguồn tài chính bền vững để phát triển rừng và cải thiện chất lượng DVMTR.

Tuy nhiên, mục tiêu còn lại là góp phần cải thiện cuộc sống của người dân phụ thuộc vào rừng thì thực sự chưa được rõ nét bởi vì số tiền DVMTR chi trả cho hộ gia đình, cá nhân rất nhỏ (bình quân 200 đến 300 nghìn đồng/hộ gia đình/năm) không đủ để đầu tư sinh kế, phát triển kinh tế hộ gia đình. Một số thôn thì giữ tiền lại làm quỹ chung... Bên cạnh đó, việc quản lý và sử dụng quỹ chung không theo một văn bản hướng dẫn chung nào mà mỗi nơi một kiểu...

Trước thực trạng quản lý và sử dụng tiền DVMTR còn hạn chế, năm 2019, Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam đã phối hợp với Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa triển khai thí điểm xây dựng quy chế trong quản lý, sử dụng tiền DVMTR của cộng đồng thôn, bản và mô hình “Nhóm tiết kiệm phụ nữ tự quản” tại 2 xã Quang Chiểu và Trung Lý (Mường Lát). Trên cơ sở số tiền chi trả DVMTR hàng năm của cộng đồng sẽ không chia đều cho các hộ mà sẽ được thống nhất giữ lại làm quỹ chung. Việc quản lý và sử dụng quỹ chung sẽ theo Quy chế về quản lý, sử dụng tiền DVMTR và do ban quản lý thôn, bản quyết định trên cơ sở đồng thuận của đại đa số các hộ dân trong thôn.

Theo đó, cơ chế vận hành của quỹ chung là hàng năm, căn cứ trên số tiền nhận được từ việc cung ứng DVMTR, ban quản lý thôn lập kế hoạch quản lý, sử dụng tiền. Kế hoạch này sẽ được thông qua tại buổi họp thôn. Cụ thể, tiền DVMTR của thôn sẽ được trích theo tỷ lệ và sử dụng cho các mục đích khác nhau. Các hình thức sử dụng tiền DVMTR gồm: Trích lập quỹ tuần tra bảo vệ rừng, dùng để chi cho các chi phí, thù lao cho các thành viên tổ bảo lâm. Tỷ lệ trích do các thôn tự quyết định. Quản lý quỹ là ban quản lý thôn, bản.

Trích lập quỹ sử dụng chung cho phát triển cơ sở hạ tầng của thôn: Làm mới, duy tu, sửa chữa các cơ sở hạ tầng của thôn như: nhà văn hóa, đường giao thông, cứng hóa kênh, mương nội đồng, mua tài sản hoặc các trang thiết bị cần thiết. Tỷ lệ trích do các thôn tự quyết định. Quản lý quỹ là ban quản lý thôn, bản.

Trích lập quỹ cho “Nhóm tiết kiệm phụ nữ tự quản”. Quỹ này sẽ do hội phụ nữ quản lý, nguồn quỹ này kết hợp với nguồn vốn các chị em phụ nữ trong thôn tự tiết kiệm thông qua hình thức góp cổ phần, tạo thành nguồn vốn quay vòng cho chị em trong thôn vay để đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Tỷ lệ trích do các thôn tự quyết định, quỹ hoạt động theo quy chế riêng. Quản lý quỹ là ban quản lý quỹ do chị em phụ nữ thống nhất bầu ra. Quỹ hoạt động dựa trên 5 nguyên tắc chính: Tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng, minh bạch và công bằng.

Sau một năm đi vào hoạt động, mô hình nhóm phụ nữ tiết kiệm đã thể hiện được tính ưu việt như: Mô hình được thiết kế đơn giản, vận hành bài bản và an toàn, giải ngân nhanh chóng, được giám sát chặt chẽ bởi tất cả các thành viên trong nhóm và của ban quản lý thôn, bản, nhờ thế bước đầu đã đem lại hiệu quả đáng ghi nhận. Cụ thể, về mặt kinh tế, từ nguồn vốn được vay từ nhóm tiết kiệm các hộ gia đình đã đầu tư phát triển sinh kế như chăn nuôi theo mô hình VAC (vườn - ao - chuồng); kinh doanh tạp hóa; đầu tư mua con giống phục vụ sản xuất... bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện cuộc sống người dân, từ đó giảm áp lực vào rừng.

Qua chia sẻ của chị Lục Thị Hường (thành viên nhóm phụ nữ tiết kiệm bản Táo, xã Trung Lý, huyện Mường Lát) thì từ khi thành lập nhóm phụ nữ tiết kiệm đến nay số tiền ban quản lý nhóm hiện đang quản lý cho vay là khoảng 170 triệu đồng, trong đó tiền DVMTR của cộng đồng là 130 triệu đồng, tiền góp vốn của các thành viên trong nhóm là 40 triệu đồng. Trong năm 2019, chị đã được ban quản lý nhóm duyệt cho vay 20 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Chị đã dùng số tiền này cộng thêm với vốn của gia đình để đầu tư chăn nuôi theo mô hình VAC. Cuối năm nay chị sẽ có sản phẩm gồm cá, ếch, lợn để bán cho bà con trong vùng để phục vụ ăn tết. Dự kiến số tiền thu được sau khi trừ chi phí và trả lại vốn vay cho nhóm phụ nữ tiết kiệm còn lại chị sẽ làm vốn để tái đầu tư chăn nuôi theo mô hình hiện tại. Đánh giá về tính hiệu quả của mô hình nhóm phụ nữ tiết kiệm, chị Hường cho biết chính quyền địa phương cần nhân rộng mô hình này vì những lợi ích mà mô hình này đem lại nhất là thủ tục vay đơn giản, giải ngân nhanh chóng.

Về mặt xã hội, mô hình này gắn kết thành viên thông qua sinh hoạt thường kỳ sẽ làm cho người dân trong cộng đồng đoàn kết hơn. Thông qua các cuộc họp này, các thành viên còn có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh qua đó giúp đỡ và cùng nhau phát triển, hạn chế phát sinh các mâu thuẫn trong cuộc sống cộng đồng dân cư.

Sau một năm hoạt động “Nhóm phụ nữ tiết kiệm” từ nguồn tiền DVMTR cho thấy mô hình này đã phần nào đáp ứng được nhu cầu về dịch vụ tài chính để đầu tư sinh kế nhỏ cho người dân địa phương. Minh chứng là nguồn vốn hỗ trợ từ tiền DVMTR của cộng đồng thôn, bản, cộng với tiền huy động từ góp cổ phần tiết kiệm hàng tháng của các thành viên trong nhóm đều được các nhóm giải ngân hết cho thành viên vay. Sau một năm hoạt động tiền hỗ trợ từ chi trả DVMTR của các thôn cho các quỹ đều được quản lý an toàn và tăng trưởng, đạt được mục tiêu của dự án đề ra. Đề nghị các đơn vị liên quan có giải pháp nhằm nhân rộng mô hình quỹ tiết kiệm phụ nữ tự quản từ nguồn tiền DVMTR, góp phần tạo sinh kế tại chỗ gắn với bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Nguồn: Baothanhhoa.vn

Thư viện Video Xem thêm

Dấu ấn dịch vụ môi trường rừng năm 2023
Thư viện ảnh Xem thêm
Thống kê truy cập
Hôm nay: 248
Hôm qua: 170
Đang online: 21
Tổng lượt truy cập : 134.672